Nhân viên “bỏ chạy” sau Tết chỉ vì “sở thích” kỳ quái của sếp

“Em chia tay rồi chị ạ”, giọng Hoài nghèn nghẹn.

Trước con mắt tròn xoe, ngơ ngác của tôi, Hoài cười buồn buồn thêm: “Không chịu nổi nữa!”.

Tôi còn nhớ cuộc điện thoại của Hoài cách đây nửa năm, khi cô vừa trúng tuyển vị trí marketer ở một công ty startup. Cuộc điện thoại tràn ngập sự hào hứng, phấn khởi xen lẫn rất nhiều hy vọng của Hoài.

Thu Hoài, khi ấy, tin tưởng nơi đó chắc chắn sẽ là nơi mà cô muốn gắn bó lâu dài. Bởi theo Hoài đánh giá, sản phẩm của công ty rất có tiềm năng trên thị trường, công ty startup nên không gian phát triển rất nhiều. Và hơn cả, cô được làm đúng vị trí mà mình tìm kiếm: Content Marketing Writer.

Ấy thế mà sáu tháng sau, trước mặt tôi lại là một cô bé Hoài mặt mày ủ rũ khi kể về lý do mình từ bỏ. Trớ trêu thay, lý do chính lại chẳng nằm ở vấn đề lương – thưởng hay chế độ, thứ vốn luôn làm đau đầu các doanh nghiệp.

Hoài kể, ngay khi vào làm việc, công ty đưa ra những yêu cầu chung chung và nhất là phải “có số”, “đạt số”. Là một cô gái thông mình và ưa thử thách, những yêu cầu này không khiến Thu Hoài chùn bước.

Cô lập ra kế hoạch marketing bài bản, bao gồm cả inbound và outbound, nhằm đạt được cả mục tiêu doanh số lẫn phục vụ chặng đường lâu dài. Hoài tự tin sẽ thuyết phục được sếp, bởi cô nghĩ đó là phương án phù hợp nhất.

Thế nhưng, không những kế hoạch không được duyệt, mà các phương án về chi phí và yêu cầu bổ sung nhân sự của Hoài cũng bị gạt sang một bên.

Kết quả là, một mình Hoài cáng đáng tất cả hoạt động của phòng marketing đúng nghĩa, theo bản kế hoạch bị biến tướng đến mức dị dạng, mà bản thân cô thừa biết rằng, nó sẽ chẳng thể hiệu quả!

“Nhưng mà sếp em thích, sở thích của người không am hiểu về marketing, áp đặt, bảo thủ và vô căn cứ. Sếp khăng khăng rằng, một nhân sự là đủ để làm mọi công việc Marketing, từ viết bài, thiết kế đồ họa, quay phim, chụp ảnh cho tới chạy quảng cáo. Sếp bảo, doanh nghiệp nào chả thế, nhưng khi em đề nghị sếp ví dụ, thì sếp trợn mắt chửi bới, cáu bẳn”.

Quá tải và cảm thấy bức bối, Hoài bị khủng hoảng. Không ít lần, cô gái tự thuyết phục mình cố gắng vượt qua và chờ đến khi “mọi chuyện sẽ thay đổi”. Nhưng Hoài không chờ nổi. Cô xin nghỉ việc sau 4 tháng làm việc tại đây.

“Em không chịu nổi. Em thích sản phẩm. Em có cảm hứng với sản phẩm. Em rất tự tin kế hoạch của em sẽ có hiệu quả. Nhưng mà em đầu hàng rồi. Truyền thông – marketing hay việc gì cũng vậy, làm sao mà nay làm, mai ra đơn, ra số, ra hiệu quả lợi nhuận ngay được??? Tất cả đều phải có quá trình. Mà quá trình đó đều phải gắn với con người. Không có người làm thì kế hoạch hay ho đến mấy, cũng chỉ để in ra giấy rồi cho vào sọt rác!”, Hoài nói đầy chua chát.

“2 tháng vừa rồi họ đã có người thay em chưa?”, tôi sốt sắng hỏi như một phản xạ tự nhiên của người làm HR đã gần 15 năm.

“Chưa. Vẫn đang tìm. Em làm, em biết. Khối lượng công việc rất nhiều. Những người cứng chuyên môn, biết việc thì sẽ e ngại lắm”.

Tôi cảm thấy thật đáng tiếc cho công ty cũ của Hoài, họ vừa để vuột mất một nhân sự tâm huyết và yêu sản phẩm của họ, một nhân sự không dễ gì tìm được. Doanh nghiệp để mất nhân sự vì những lý do kiểu này thật là không đáng.

Thật đáng buồn là câu chuyện của Hoài không phải là hiếm. Đã có nhiều ứng viên tâm sự thật với tôi về lý do họ ra đi. Họ hài lòng với công ty, lương, thưởng, chế độ, môi trường làm việc…, ngoại trừ cách thức tổ chức điều hành công việc, giống như Hoài.

Sau Tết Nguyên đán, hầu hết doanh nghiệp đều đã bắt đầu kế hoạch kinh doanh cho năm mới. Nhu cầu nhân lực cũng theo đó mà tăng cao, trong khi làn sóng nhảy việc/nghỉ việc (thường xảy ra vào thời điểm này hằng năm) còn có xu hướng tăng cao hơn so với các năm trước, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Rất nhiều doanh nghiệp SME, doanh nghiệp startup cũng bắt đầu đối diện với tình trạng thiếu nhân lực trong giai đoạn này, làm quá tải cho những nhân sự còn đang làm việc. Và nếu không được xử lý kịp thời, nó sẽ gây ra phản ứng dây chuyền và gây ra hậu quả lâu dài.

Vẫn biết làn sóng nghỉ việc sau Tết là bài toán chưa có lời giải dứt điểm cho doanh nghiệp. Nhưng việc cố gắng giữ chân nhân viên, không để họ dứt áo ra đi vì những lý do đáng tiếc giống như Hoài cũng là một cách hữu hiệu để doanh nghiệp giảm bớt ảnh hưởng của làn sóng này.

Vậy mà… tiếc thay, những “người chơi” hay đã phải bỏ cuộc!

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *