Đãi ngộ không bằng tiền: Thứ phúc lợi quan trọng không phải công ty nào cũng để ý

Mình còn nhớ ngày xưa, khi vừa bước chân khỏi cổng trường và bắt tay tìm kiếm công việc đầu tiên, điều đầu tiên mình tìm kiếm trên Google là: “Kinh nghiệm tìm việc”.

Từ đấy, mình bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về những thứ cần quan tâm, bên cạnh lương, khi đi làm. Đó là các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định, là được nghỉ phép 1 tháng 1 ngày, là 1 tuần được nghỉ ít nhất 1 ngày…

Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm hơn và hiểu biết sâu hơn về mảng Nhân sự, mình nhận ra, ngoài lương, một công ty có thể “offer” khá là nhiều thứ đãi ngộ không bằng tiền mặt, và nhân viên có thể hưởng lợi rất nhiều từ đó nhưng không phải ai cũng để ý đến.

Đãi ngộ không bằng tiền là một hình thức phúc lợi của công ty dành cho các nhân viên của mình. Hình thức phúc lợi này vô cùng đa dạng và tùy thuộc theo tình hình thực tế tại mỗi công ty. Nó có thể là một khoản bảo hiểm tai nạn – sức khỏe dành cho bản thân nhân viên và người nhà của họ – bên cạnh các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định nhà nước.

Đó cũng có thể là bữa trưa, phiếu gửi xe tháng, dịch vụ tại một hệ thống phòng tập gym, các khoản giảm giá dành riêng cho nhân viên khi mua sắm tại chuỗi cửa hàng/siêu thị/nhà hàng nào nào đó…

Đó cũng có thể là việc cung cấp laptop và các thiết bị làm việc, các chuyến du lịch trải nghiệm nhằm nâng cao trải nghiệm nhân viên và chất lượng cung cấp dịch vụ của họ khi trở về…

Rất nhiều khi, chi phí cho các chế độ đãi ngộ không bằng tiền này còn cao hơn rất nhiều lần chi phí dành cho lương.

Tùy thuộc vào đặc điểm nhân viên của mình, các công ty có thể nghĩ ra vô vàn các hình thức đãi ngộ không bằng tiền mặt, ý nghĩa và đáp ứng đúng nhu cầu của nhân viên, “gãi đúng chỗ ngứa của họ”. Qua đó cải thiện trải nghiệm làm việc của nhân viên và cũng tăng độ gắn kết với công ty.

Việc xây dựng được chế độ đãi ngộ kiểu này đòi hỏi công ty phải thực sự hiểu đội ngũ nhân viên của mình, và quan trong hơn thế, thực sự quan tâm đến nhu cầu của họ. Đối với nhiều công ty, những chế độ đã ngộ này trở thành một biểu hiện, một minh chứng cụ thể của văn hóa doanh nghiệp lành mạnh mà họ theo đuổi.

Bởi vậy, những chế độ đãi ngộ, trên một khía cạnh nào đó, là dấu hiệu vô cùng rõ ràng của một công ty tử tế.

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *