“Chất keo” nào giữ chân nhân viên thật lâu?

Lướt facebook, tình cờ tôi thấy một post đăng trong hội nhóm về chuyện công sở khá đông thành viên. Tác giả hỏi mọi người: “Điều gì giữ chân bạn khi quyết định nghỉ việc?”.

Câu hỏi ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi. Là một người làm việc hằng ngày với các vấn đề nhân sự, với các quyết định ra đi – ở lại của nhân viên, tôi liên tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này trong các buổi phỏng vấn thôi việc hay trong bất kỳ cuộc hội thoại nào với mọi nhân viên. Bởi vì, đó sẽ là căn cứ vững chắc để xây dựng một chính sách nhân sự tốt.

Nhưng, không phải buổi phỏng vấn nghỉ việc nào tôi cũng thành công, và cũng không phải nhân viên nào cũng chia sẻ thật với tôi những gì họ nghĩ.

Thế nên, một câu hỏi bình thường trên mạng xã hội có thể sẽ là dịp tốt để tìm hiểu thật sự điều gì níu kéo một nhân viên khi họ có ý định dứt áo ra đi, nhất là khi người trả lời hoàn toàn tự nguyện và không cần đắn đo bất cứ chuyện gì.

Tôi quyết định “nghiên cứu” vài trăm bình luận phía dưới bài post này.

Giống như muôn vàn bình luận trên mạng khác, các câu trả lời cũng muôn hình muôn vẻ, từ nghiêm túc, chín chắn đến đùa giỡn vui vẻ. Tôi bắt gặp những lý do giản đơn đến mức không ngờ được, ví như “cơm trưa và café free”, “trai đẹp, gái xinh”, thậm chí vì “hết tiền”.

Đây đó cũng có những lý do khá phổ biến cho quyết định ở lại công ty. Vì “gần nhà”. Vì “lương cao”. Vì “được thăng chức/tăng lương” hay “chưa tìm được việc mới tốt hơn”. Cũng xuất hiện lý do khá đáng buồn là “bị nợ lương, nghỉ rồi sợ mất”.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi tất cả đều chỉ là số ít.

Phần lớn người trả lời lý do giữ chân họ là vì “sếp và đồng nghiệp”.

Thật tình cờ làm sao, trong những buổi phỏng vấn nghỉ việc thành công của mình, tôi được chia sẻ phần nhiều rằng: Điều nuối tiếc nhất khi ra đi là rời bỏ những người đồng nghiệp. Những người cùng làm việc, cùng nỗ lực, cùng vượt qua khó khăn để cùng đạt được một mục đích.

Tôi đã từng được nghe một bạn nhân viên trẻ tâm sự: Bạn cảm thấy vô cùng áy náy với những đồng nghiệp còn ở lại bởi chưa có người thay thế và họ phải làm thêm nhiều việc trong khi chờ khoảng trống bạn ấy để lại được lấp đầy.

Một bạn khác thì ngồi trước mặt tôi với vẻ mặt vô cùng thoải mái, sau một khoảng thời gian khó khăn vì công việc. Bạn cảm thấy thật nhẹ nhõm khi rời đi. Toàn bộ công việc đã có người tiếp nhận, những gì còn dở dang đều đã được bàn giao và những người ở lại sẽ không bị lao đao.

Những người đã quyết định ra đi phải quý trọng mối quan hệ đồng nghiệp của họ thế nào mới có thể có sự áy náy này, sự thoải mái kia được chứ?

Mối quan hệ với “sếp và đồng nghiệp” hóa ra lại mang thật nhiều ý nghĩa. Nó không đơn thuần chỉ là mối quan hệ công việc. Sâu xa hơn, nó là chất keo gắn kết những cá nhân riêng biệt với nhau, và với doanh nghiệp. Nếu chất keo này bền chắc, doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ gắn bó, đoàn kết và mạnh mẽ.

Trong bối cảnh nhiều công ty vô cùng vất vả để tuyển đủ nhân viên trong làn sóng nhảy việc/chuyển việc thời gian gần đây, có lẽ các doanh nghiệp nên dành nguồn lực bồi đắp “chất keo” này.

Để gắn kết đội ngũ và cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Để những nhân viên đáng quý không rời đi, những người mới vào cảm thấy gắn bó.

Và để những người muốn ra đi vấn vương thật lâu.

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *