Làm sao để biết một công ty tốt (3): Tiếng nói của bạn có được lắng nghe?

Hãy thử hình dung bạn là một ứng viên.

Bạn thấy một tin tuyển dụng với phần mô tả công việc thật khớp với mong muốn công việc của mình. Bạn quyết định ứng tuyển.

Rất nhanh sau đó, bộ phận tuyển dụng của công ty liên lạc với bạn qua điện thoại. Cuộc trò chuyện cởi mở và thân tình đến nỗi bạn không nghĩ rằng đó là một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Kết thúc cuộc điện thoại, họ mời bạn tham gia phỏng vấn.

Bạn lần lượt vượt qua vòng 1, vòng 2 với sự hài lòng về bản thân và với những nhân viên của công ty mà bạn tiếp xúc. Bạn mong muốn trở thành một thành viên trong số họ.

Cầu được ước thấy, bạn nhận được thư mời làm việc.

Tuyệt vời! Bạn chấp nhận lời mời và trở thành nhân viên thử việc của công ty.

Sau 2 tháng, bạn ký hợp đồng lao động, trở thành nhân viên chính thức. Bạn nhận ra, công ty tôn trọng tất cả những yêu cầu của luật để đảm bảo chế độ phúc lợi của nhân viên.

Mọi thứ rất ổn. Công ty có vẻ là một nơi tốt để bạn dừng chân và xây dựng sự nghiệp của mình.

Bây giờ, điểm nhìn của bạn về công ty đã chuyển dịch từ bên ngoài vào bên trong. Rồi một vài sự cố xảy ra, và bạn thấy hình như có thứ gì đó “lấn cấn”.

Bạn nhận thấy một đồng nghiệp của mình có những hành vi có vẻ không đúng lắm đối với các khoản thanh toán. Bạn không đồng tình, nhưng cũng làm ngơ. Phần vì chuyện không ảnh hưởng đến mình, phần vì bạn cũng băn khoăn không biết có nên lên tiếng hay không và nên nói chuyện với ai.

Bạn cảm thấy có một vài khâu trong quy trình làm việc có thể cải tiến để tăng năng suất làm việc. Bạn chia sẻ ý tưởng với trưởng bộ phận một vài lần nhưng không được lắng nghe. Lâu dần, bạn mất hứng thú và cuối cùng, bạn không muốn chia sẻ ý kiến của mình nữa.

Rồi bạn gặp vấn đề với trưởng bộ phận của mình. Bạn không muốn chia sẻ cho đồng nghiệp vì dù sao đó cũng là một vấn đề tế nhị. Thay vào đó, bạn muốn nói chuyện với ai đó có trách nhiệm, khách quan, hiểu biết các vấn đề nội bộ để xin tư vấn. Nhưng bạn không tìm thấy ai phù hợp. Bạn hoang mang không biết nên làm gì.
…………………
Trên đây chỉ là một hình dung đơn giản nhất về những việc một nhân viên có thể gặp phải khi họ gặp vấn đề nhưng không biết chia sẻ với ai và như thế nào.

Để giải tỏa, một số người nói vấn đề của mình với đồng nghiệp và vô tình tạo ra những bất ổn trong nội bộ. Một số khác tìm đến trưởng bộ phận hay nhân sự với một chút hoài nghi và không chắc chắn. Và khi không đủ niềm tin về việc có một ai đó khả dĩ có thể lắng nghe, nhiều người tìm đến những người bên ngoài công ty, thậm chí cả mạng xã hội để tìm cách giải quyết vấn đề của mình.

Đó không phải là cách một công ty quan tâm đến đội ngũ nhân sự của mình mong muốn. Khi công ty chú trọng đến sự ổn định của đội ngũ nhân sự và hướng đến sự phát triển lâu dài, họ thường có những hoạt động để khuyến khích các nhân viên của mình lên tiếng và lắng nghe cẩn thận những tiếng nói đó.

Thậm chí, có công ty còn sắp xếp cả “hotline” để nhân viên chia sẻ các vấn đề của họ tới những người chuyên trách. Họ muốn đảm bảo rằng, nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra, nhưng người có trách nhiệm trong công ty sẽ là những người đầu tiên biết đến, đối diện và giải quyết vấn đề ấy.

Bởi đó là cách chu đáo nhất để duy trì một môi trường làm việc ổn định, lành mạnh, gắn kết để cùng nhau chinh phục các thử thách liên tục đến trong quá trình hoạt động của công ty. Hơn thế nữa, đó cũng là cách để các công ty bảo vệ hình ảnh của mình trong mắt trong mắt các ứng viên tiềm năng, bảo vệ thương hiệu tuyển dụng mà công ty mong muốn xây dựng, tránh những ảnh hưởng không đáng có.

Một chỉ dấu nữa cho thấy công ty tử tế, ấy là: Các nhân viên được khuyến khích cất tiếng nói và được lắng nghe cẩn thận. Lúc đó, nhân viên và công ty đều nghe được tiếng nói của nhau, hiểu nhau thật cặn kẽ. Như thế, một “mối tình viên mãn” bắt đầu.

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *