Giải quyết yêu cầu “kinh nghiệm” của nhà tuyển dụng thế nào?

Một buổi trưa bình thường tại văn phòng, tất cả mọi người đều đang thả lỏng. Mỗi người ôm một hộp cơm, vừa tận hưởng bữa trưa vừa chuyện trò thoải mái.

Cậu Marketing trẻ tuổi bất chợt lên tiếng ý kiến: “Các chị có thấy vô lý không, bây giờ đi xin việc ở đâu cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường cũng yêu cầu kinh nghiệm. Các công ty không tuyển người không có kinh nghiệm, vậy những người này làm sao mà lấy được kinh nghiệm đây?”

Thắc mắc của cậu làm mấy bà HR trong phòng cười tủm tỉm. Bởi vì họ cũng vô số lần nhận được những câu hỏi tương tự như thế khi tuyển dụng.

Nhìn bề ngoài, có vẻ như đó là một vòng lặp không có lời giải. Các công ty, doanh nghiệp luôn tìm kiếm những người có kinh nghiệm vào làm việc. Trong khi đó, nếu không có đơn vị nào nhận vào làm việc thì những người chưa có chút kinh nghiệm nào làm sao tích lũy được kinh nghiệm?

Nhưng, vấn đề dù khó khăn thế nào rồi cũng sẽ có giải pháp. Vòng lặp này cũng vậy.

Bí quyết là: Hãy lựa chọn những công việc đầu tiên (part time) thật khôn ngoan.

Những việc bán thời gian thường ít khi đòi hỏi kinh nghiệm. Chính vì thế nên hầu hết các bạn SV trong thời gian đi học thường lựa chọn các công việc này để tăng thu nhập. Và nhiều bạn lựa chọn một cách ngẫu hứng, ít có tính toán đến giá trị của chúng đối với công việc khi các bạn đi làm chính thức.

Bất cứ vị trí / công việc nào đã từng làm qua đều sẽ góp phần vào kinh nghiệm làm việc. Do đó, lựa chọn một việc part time hoàn toàn không liên quan đến công việc dự định sẽ làm khi ra trường là một sự lãng phí rất lớn do không thể sử dụng được các kỹ năng, kinh nghiệm, thậm chí cả mối quan hệ đã xây dựng được cho các công việc tiếp theo.

Vậy nên, ngay từ thời điểm bắt đầu, hãy đề ra chiến lược nghề nghiệp để định hướng những lựa chọn công việc một cách khôn ngoan và bài bản, dù là đó là việc giản đơn thế nào đi nữa.

Điều quan trong nữa là kiên trì theo đuổi chiến lược nghề nghiệp, bởi việc tích lũy nào cũng luôn cần thời gian, bao gồm cả tích lũy kinh nghiệm.

Nếu đã lỡ qua mất thời gian tích lũy kinh nghiệm với các việc part time, chẳng lẽ cứ mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn kia?

Giải pháp là: Hãy tập trung soạn một bản CV thật thông minh.

Soạn CV là thời điểm chúng ta tổng kết tất cả những điều tốt nhất, đẹp nhất của mình để “khoe” với nhà tuyển dụng nhằm chứng minh chúng ta phù hợp (ít nhất về mặt hồ sơ) với công việc ứng tuyển.

Nếu chưa bao giờ làm các việc liên quan đến vị trí ứng tuyển, vậy thì đã đến lúc nghiên cứu xem công việc đang ứng tuyển cần những kỹ năng gì và ta đã có các kỹ năng ấy chưa, ta đã tích lũy được chúng trong công việc nào đã làm qua…

Các công việc chuyên môn thường yêu cầu các kỹ năng chuyên môn. Nhưng không nhất thiết phải làm công việc đó mới có được các kỹ năng này. Vậy nên, hãy thể hiện tất cả các kỹ năng phù hợp với công việc ứng tuyển mà ta tích lũy được khi làm các công việc trước đây trong CV, các thành tựu đạt được khi vận dụng các kỹ năng đó… Những điều ấy làm nên kinh nghiệm.

Một số nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua những CV thế này, thật khó khăn – nhưng phải thừa nhận như vậy, vì họ cần người đã có trải nghiệm thật sự với công việc đang tuyển. Nhưng cũng có nhà tuyển dụng cởi mở hơn và sẵn sàng trao cơ hội cho những người mới. Vậy nên, hãy kiên trì cho đến khi gặp được họ.
…………………………….
Với nhiều lần là ứng viên và bị từ chối cũng nhiều, tôi nhận ra: Công cuộc tìm việc làm giống như bán hàng, trong đó mỗi lần ứng tuyển, ứng viên đóng vai như một người bán hàng đang giới thiệu sản phẩm. Thành công và thất bại luôn song hành với nhau. Vấn đề là không được bỏ cuộc và nhất định cần sự kiên trì theo đuổi mục tiêu và sự thông minh, bài bản kể từ khâu chiến lược đến thực thi.

Để tìm được một công việc tốt và phù hợp, không thể không kể đến sự may mắn. Nhưng cơ hội và may mắn chỉ đến khi có sự chuẩn bị đầy đủ. Vậy nên, hãy chuẩn bị thật sớm.

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *