Về bản chất thì “truyền thông” và Marketing không đồng nhất với nhau, mà có mối quan hệ chặt chẽ.
Những doanh nghiệp lớn thường có 2 bộ phận được phân biệt rõ ràng, với các đội ngũ nhân sự tách biệt nhau.
Tuy nhiên, ở mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, một xu hướng đang phổ biến là triển khai “mix” (hỗn hợp) truyền thông và Marketing – đặc biệt khi giải pháp Content Marketing được chú trọng và khai thác.
Dựa trên kinh nghiệm cố vấn, tổ chức và quản trị đội ngũ nhân sự thực thi Content Marketing cho doanh nghiệp, tôi xin chia sẻ về những vị trí trọng yếu của một phòng truyền thông – Marketing.
1. Trưởng phòng (Leader):
Đây là vị trí nắm rõ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, với các sự kiện, chiến dịch quan trọng trong tương lai.
Dựa vào đó, trưởng phòng sẽ lên kế hoạch cho ê kíp để sản xuất nội dung, phục vụ mục đích truyền thông và Marketing.
Trong bản kế hoạch nói trên, hệ nội dung chất lượng, tạo ra giá trị/lợi ích cho khách hàng tiềm năng là thứ không thể thiếu.
Những yếu tố đi kèm hệ nội dung này bao gồm: Tính định kỳ và đa dạng của nội dung; Phương thức quảng bá, phân phối nội dung hiệu quả đến tệp khách hàng tiềm năng; Kiểm soát khâu đo lường, với các kỹ năng đọc báo cáo, phân tích số liệu để điều chỉnh và định hướng…
Đương nhiên, trưởng phòng cũng là người xây dựng quy trình công việc cho các vị trí nhân sự khác của đội ngũ, để thực thi bản kế hoạch Content Marketing.
Quy trình đó bao gồm sự phân công công việc một cách rõ ràng và hợp lý, cơ chế báo cáo công việc và bộ KPI cụ thể cho từng vị trí nhân sự.
2. Người viết lách (Content Writer):
Vai trò lớn nhất của vị trí này là “tư duy nội dung”. Nói cách khác, họ chính là những người sáng tạo ra “bộ não” (kịch bản) cho từng đơn vị sản phẩm nội dung.
Họ viết lách bài vở, thể hiện nội dung qua con chữ, từ đó tạo ra những “Content chữ” để đăng blog, website, fanpage, làm eBook, viết bài PR… cũng như viết kịch bản (tư duy nội dung) cho clip, truyện tranh “chế”, infographics…
Đối với một doanh nghiệp cỡ nhỏ, số lượng Content Writer cần thiết là khoảng 3 nhân sự làm toàn thời gian. Bên cạnh đó, nếu tổ chức thêm được đội ngũ cộng tác viên nội dung (làm theo đơn đặt hàng đề tài) thì rất lý tưởng!
Đương nhiên, kỹ năng chuyên môn lõi của Content Writer là viết lách, nên tôi thường tuyển những người có năng khiếu viết (báo chí, văn chương) vào vị trí này.
3. Biên tập viên (Content Editor):
Đây là vị trí thường bị nhiều doanh nghiệp coi nhẹ trong quy trình triển khai Content Marketing. Đó là một điểm nhược lớn!
Tại sao? Khi Content Writer viết lách nội dung, nếu không qua khâu biên tập, những nội dung đó sẽ được đẩy ngay lên các kênh giao tiếp/truyền thông của doanh nghiệp. Quá nguy hiểm!
Dù cho Content Writer giỏi tới đâu, thì vẫn luôn tồn tại “điểm mù nhận thức”. Nó khiến cho bản thân người tạo nội dung không nhìn ra được vấn đề cần chỉnh sửa trong sản phẩm của mình. Phải có một người khác với tư duy độc lập xem, cảm nhận và chỉnh sửa để tối ưu hóa hiệu quả.
Việc biên tập nói trên vừa đảm bảo nội dung được trình bày chuẩn mực (rà soát mo-rát), có giá trị, phù hợp và nhất quán, vừa điều chỉnh để nội dung mang tới cảm xúc tốt nhất cho người tiếp nhận (độc giả/khán giả…).
Biên tập viên cần là người cẩn thận, chỉn chu trong công việc, có năng khiếu viết lách (đương nhiên) và tư duy tốt, có khả năng “thẩm” nội dung tốt.
Với số Content Writer nói trên thì đội ngũ chỉ cần một biên tập viên.
4. Thiết kế đồ họa (Graphics Designer):
Không ít công ty yêu cầu Content Writer phải giống như… “siêu nhân”, nghĩa là có kỹ năng “tất cả trong một” (all-in-one): Viết lách, tối ưu SEO, thiết kế hình ảnh minh họa, dựng video clip…
Tôi không ủng hộ tư duy ôm đồm đó!
Bởi vì một Content Writer có thể học và đáp ứng hết những kỹ năng đó, nhưng độ chuyên sâu chắc chắn không thể tốt, trong khi quỹ thời gian của họ bị co hẹp không đáng có – điều quan trọng nhất cần đòi hỏi ở một Content Writer là “tư duy nội dung”, không phải là “kỹ năng all-in-one”.
Do vậy, vị trí nhân sự thiết kế đồ họa là cần thiết, để vừa đáp ứng yêu cầu về hình ảnh của Content Writer, vừa thực hiện các phần thiết kế khác (logo, banner, brochure, backdrop…) cho doanh nghiệp.
Số lượng: 1-2 (tùy yêu cầu và lượng công việc).
5. Nhân viên công nghệ (Technician Staff):
Đây là vị trí thực hiện các công việc có yếu tố công nghệ, kỹ thuật, như:
+ Thiết kế website.
+ Tối ưu (biên tập) SEO cho nội dung/Triển khai giải pháp SEO.
+ Chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) hoặc Google Adwords.
+ Triển khai các giải pháp đo lường, trong đó, tập trung vào những công cụ kỹ thuật để truy vết, thu thập số liệu từ các nền tảng liên quan…
Vai trò của vị trí này rất quan trọng trong khâu phân phối, quảng bá nội dung hiệu quả tới tệp khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
Một số nơi sẽ coi phần việc SEO, chạy ads… là của “Marketer”, song tôi không thích cách tư duy đó. Đơn giản vì nó bị chung chung, đôi khi khiến những người làm kỹ thuật nhầm lẫn công việc của họ với những phần việc Marketing khác.
Số lượng: 1-2 (tùy yêu cầu và lượng công việc).
6. Quay phim, chụp ảnh (Cameraman & Photographer):
Khi thực hiện nội dung, việc tác nghiệp là cần thiết. Bởi thế, nhân sự quay phim, chụp ảnh sẽ thực hiện phần việc tác nghiệp media theo yêu cầu, để ghi lại hình ảnh của khách hàng, gương mặt đại diện thương hiệu…
Số lượng: 1-2 (tùy yêu cầu và lượng công việc).
7. Dựng phim (Video Editor):
Nhân sự làm công việc này không chỉ dựng các video clip với hiệu ứng chuyên nghiệp từ dữ liệu tác nghiệp media, mà còn thực hiện những sản phẩm “video graphics” theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Những kỹ năng chuyên nghiệp về video cần tới một nhân sự dựng phim riêng – chứ không phải “ôm đồm” giao cả cho Content Writer.
Số lượng: 1-2 (tùy yêu cầu và lượng công việc).
Bên trên là những vị trí công việc cần thiết của một phòng truyền thông – Marketing. Tùy vào khả năng đầu tư và quản trị của doanh nghiệp mà đội ngũ này có thể tăng/giảm số lượng và vị trí nhân sự.
Hy vọng rằng, sự chia sẻ nói trên sẽ giúp “mũi khoan” Content Marketing của doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhờ ý thức đúng về từng vai trò trong đội ngũ của mình.
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn