Sáng thứ 2, nhận được một vài email ứng tuyển vào vị trí đang tuyển dụng, mở Facebook cũng thấy có người quan tâm đến bài post tuyển dụng, cô HR khấp kha khấp khởi mừng thầm, vậy là có hy vọng lấp được khoảng trống cho vị trí này rồi.
Sau nhiều năm làm việc, cô nhận ra một sự thật: Số CV nhận được càng ngày càng “hẻo”, chẳng còn phong phú như những ngày đầu tiên cô bước chân vào nghề. Thế nên, nhất định phải chắt chiu từng hồ sơ. Không thể để ứng viên ra đi vì những lý do đáng tiếc được. Dứt khoát thế!
Các tin nhắn hỏi thăm về công việc cũng vậy. Sau bao công lặn lội, các ứng viên tiềm năng cuối cùng cũng lên tiếng! Phải trả lời từng người một, thật chu đáo, thật tận tình mới được. Dứt khoát thế!
Vậy là sáng hôm ấy, có một cô gái dành cả buổi ngồi trò chuyện, chia sẻ với ứng viên và nhưng người quan tâm trong niềm hy vọng dâng trào: Trong số những người này, thể nào cũng có một người về với đội của cô!
Khi người ta làm việc trong niềm hy vọng, người ta hào hứng, vui vẻ, chu đáo và tận tình lắm ấy! Người ta nghĩ ra đủ cách để chứng minh cho ứng viên thấy tại sao ứng viên nên nộp CV và tại sao công ty lại là nơi xứng đáng để họ làm việc. Nào là văn hóa công ty, nào là chế độ làm việc, nào là sếp và đồng nghiệp, nào là công việc phù hợp với kinh nghiệm…
Người ta say sưa, người ta hồ hởi.
Trời có khi nào phụ người có lòng? Cuối cùng, cô cũng đã nhận được những CV thật sự phù hợp. Cô mừng lắm. Cô muốn nhấc điện thoại gọi ngay cho ứng viên, hỏi thăm, tìm hiểu rồi mời họ đến phỏng vấn. Nhưng cô biết, cô phải kiềm chế niềm vui này lại. Bởi vì lúc đó là…
1h30 chiều: Gọi ứng viên bây giờ có sớm quá không? Liệu có làm phiền thời gian nghỉ trưa của bạn ấy không? Nên chăng chờ đến 2h để bạn nghe máy thoải mái?
2h00: Cô HR nén vui vừng khi nghe tiếng nhấc máy từ đầu bên kia. Ứng viên dễ thương làm sao! Cô ưng lắm, cô mời ngay ứng viên đến phỏng vấn vào chiều ngày hôm sau. Ứng viên đồng ý. Quá tuyệt vời!
2h10: Chiếc email mời phỏng vấn cuối cùng cũng hoàn thành. Nhất định không được sai lỗi chính tả, không được sai tên ứng viên, không được viết câu cộc lốc…
Không được để ứng viên có ấn tượng xấu, ý muốn ứng viên thích mình hình thành như một phản xạ có điều kiện kể từ khi cô bước chân vào nghề Nhân sự. Ứng viên phải có cảm tình với người họ tiếp xúc đầu tiên, là cô, thì mới bắt đầu thích công ty được. Cô hiểu điều ấy rõ lắm.
Thế nên cô phải thật cẩn thận.
Thư gửi đi. 15h00, 16h00, 17h00, quãng thời gian làm việc buổi chiều của cô bị ngắt quãng nhiều lần. Ứng viên vẫn chưa phản hồi xác nhận lịch phỏng vấn. Cô bắt đầu thấp thỏm lo lắng, liệu ứng viên của cô đã nhận được thư chưa?
17h30, tiếng chuống báo thư đến vang lên. Cô thấy người nhẹ bẫng. Cuối cùng thì ứng viên của cô cũng đã xác nhận rồi.
Chiều hôm sau…
15 phút trước giờ phỏng vấn, cô dường như chẳng làm được việc gì khác ngoài trông ngóng ứng viên đến. Đã qua bao cuộc phỏng vấn rồi mà trước giờ hẹn nào cô cũng vẫn cảm thấy một sự hồi hộp xen lẫn phấn khích.
Phòng họp gọn gàng, sáng sủa – Xong!
Thông tin ứng viên – Xong!
Nghiên cứu CV ứng viên – Xong!
Hôm nay, cô cũng chọn một bộ trang phục thật đẹp để mặc đón “khách” nữa. Mọi thứ cần thiết đều đã tươm tất cả rồi.
Kim đồng hồ chậm chậm trôi. 15 phút trôi qua, ứng viên vẫn chưa đến. Điện thoại cũng không thấy động tĩnh gì.
Thêm 10 phút nữa, vẫn bóng chim tăm cá. Gọi điện thoại – điện thoại không ai nghe máy. Nhắn tin – tin nhắn không ai trả lời.
Cứ thế, cứ thế, cả buổi chiều chầm chậm trôi qua không một tin tức gì từ ứng viên cả. Cô HR quay trở lại với công việc của mình, tiếp tục tìm kiếm những ứng viên tiềm năng và cố gắng duy trình niềm hy vọng.
Trải qua nhiều lần thế này rồi, cô vẫn luôn tự hỏi: Mình đã làm gì sai?
………………
Sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra khi một công ty tuyển dụng và một ứng viên quyết định ứng tuyển vào vị trí ấy. Vì rất nhiều lý do, đôi khi ấn tượng ban đầu của ứng viên với công ty không tốt như mong đợi. Cho dù là vậy, những người làm Nhân sự sẽ vẫn luôn cố gắng cải thiện ấn tượng này qua từng lần tiếp xúc. Đó là công việc họ phải làm, trách nhiệm của họ và còn là niêm kiêu hãnh nghề nghiệp nữa – nếu họ thực tâm muốn làm nghề một cách chuyên nghiệp và tử tế.
Và với họ, mỗi ứng viên đều có thể trở thành đồng nghiệp. Và họ cũng thực tâm mong muốn người chuẩn bị phỏng vấn với mình sẽ đáp ứng được các yêu cầu công việc và trúng tuyển.
Khi đi tuyển dụng với tâm thế ấy, mỗi một sự “biến mất” đều mang đến rất nhiều thất vọng.
Chỉ cần một email, hay thậm chí một vài dòng tin nhắn thông báo hủy trước giờ phỏng vấn thôi, nào có mất nhiều thời gian …
Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn