Hai năm vừa qua, Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện đến tình hình sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Không những thế, tác động của nó còn sâu sắc đến mức chạm đến phần cốt lõi mà những người làm nhân sự lâu năm như tôi chưa bao giờ ngờ đến: Nguồn nhân lực.
Đối với lĩnh vực nhân sự, con người, nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp vận hành trơn tru, ổn định. Vì lẽ đó, những đợt dãn cách xã hội, những lần cách li, những hạn chế đi lại khiến công việc đảm bảo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến độ sản xuất – kinh doanh của tôi thật sự khó khăn. Đặc biệt là việc phỏng vấn.
Để đáp ứng việc phòng dịch, tôi cùng các đồng nghiệp đã phải chuyển 100% các cuộc phỏng vấn và kiểm tra trình độ ứng viên sang hình thức trực tuyến. Cụ thể là phỏng vấn online.
Nếu trong trường hợp bình thường, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với ứng viên trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Khi đó, với tư cách là nhà tuyển dụng, ngoài những thông tin trao đổi, chúng tôi có thể tiếp nhận những thông điệp phi ngôn ngữ từ ứng viên như ánh mắt, cử chỉ, trang phục, diện mạo… và từ đó có được những đánh giá chính xác nhất về độ phù hợp với công việc.
Với phỏng vấn online, việc đó trở nên vô cùng hạn chế, vì mọi trao đổi chỉ diễn ra qua màn hình máy tính. Thậm chí, trong một vài tình huống, qua màn hình điện thoại.
Vậy là, toàn bộ thông tin thu được về ứng viên trong cuộc phỏng vấn đều trở thành yếu tố đánh giá, bên canh những trao đổi về kiến thức – kỹ năng như trong một cuộc phỏng vấn thông thường. Ứng viên có đăng nhập vào phòng họp ảo đúng giờ hay không? Âm thanh, ánh sáng của ứng viên thế nào? Nơi phỏng vấn của ứng viên ra sao? Trong suốt cuộc phỏng vấn, phía ứng viên có tiếng động nào bất thường hay có ai đó can thiệp hay không?…
Ứng viên gặp khó khăn thế nào khi chuẩn bị một cuộc phỏng vấn online thì người phỏng vấn cũng gặp vấn đề tương tự. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi không được đến văn phòng làm việc và những cuộc phỏng vấn lúc này đều diễn ra tại nhà.
Tôi đã phải đăng ký sử dụng hai đường kết nối mạng của hai nhà cung cấp khác nhau chỉ để đảm bảo những cuộc phỏng vấn không bị gián đoạn. Một đồng nghiệp của tôi thì mỗi lần phỏng vấn đành ngậm ngùi trốn vào kho của gia đình, đóng cửa kín mít để không có tiếng trẻ con nhà mình đang học online và tiếng xe cộ lọt vào mic.
Một đồng nghiệp khác thì gặp phải tình huống khá… éo le. Thời điểm phỏng vấn gần đến rồi mà nhà cô ấy lại mất điện đột ngột. Toàn bộ hệ thống mạng trong gia đình dừng hoạt động, mất kết nối. Cô ấy đành phải sử dụng điện thoại của mình để thực hiện phỏng vấn. Cũng may, cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ trên nền mạng di động 4G.
Cuộc phỏng vấn nào cũng đều là tương tác 2 chiều giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Bởi vậy, trước cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cần chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo ấn tượng của mình, của công ty trong mắt ứng viên là đẹp nhất. Việc đó trở nên phức tạp hơn trong điều kiện làm việc tại nhà và phỏng vấn trực tuyến. Tuy nhiên, một người làm nhân sự giàu kinh nghiệm và có tâm sẽ luôn cố gắng để khắc phục.
Trên cả những yêu cầu từ công việc, khi khép lại cuộc phỏng vấn, thứ tôi muốn thấy nhất vẫn là nụ cười và sự hài lòng của ứng viên. Đó là thành công của một người làm nhân sự chuyên nghiệp. Bởi vì như vậy, mối quan hệ của tôi và họ được tiếp tục duy trì và họ sẽ trở thành những nhân viên tuyệt vời tiếp theo mà tôi có cơ hội được kết nối.
Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn