Sếp và những bài học để đời

Ai đi làm cũng phải có sếp. Phong cách của các sếp vô cùng đa dạng. Và dù, chúng ta có cảm thấy sếp “tệ” thế nào đi nữa, tất cả họ cũng đều có thứ gì đó đáng kể nhân viên học hỏi hay chiêm nghiệm.

Trong quãng thời gian đi làm của mình, tôi đã được làm việc với nhiều sếp. Từng người trong số họ đều để lại cho tôi những bài học đáng để suy ngẫm. Trong số những bài học đó, có những bài học không bao giờ quên được.

……………….
Bài học đầu tiên: Đứng dậy đi về, nhớ xếp ghế cho gọn gàng!

Việc gì đầu tiên cũng đều để lại những ấn tượng khó phai. Mối tình đầu tiên, chuyến đi đầu tiên, công việc đầu tiên. Và vị sếp đầu tiên cũng vậy.

Vị sếp đầu tiên của tôi là một người thích gọn gàng và sạch sẽ. Nhiều năm trôi qua, ấn tượng của tôi về sếp vẫn là những buổi sáng xuất hiện tại văn phòng với chiếc áo sơ mi và quần tây không tì vết cùng đôi giày lúc nào cũng bóng loáng.

Tôi còn nhớ, bàn làm việc của sếp rất to. Ngoài giờ làm việc, chẳng bao giờ có thứ gì trên đó cả, ngoại trừ 3 thứ: Màn hình máy tính, bàn phím và chuột.

Đó là ngày đầu tiên tôi đi làm. Mọi chuyện đều êm thấm. Cuối giờ chiều, công việc trong ngày cũng đã xong, tôi thở phào một hơi rồi hăm hở đứng lên đi về. Đi chưa được 3 bước thì từ đằng sau chiếc bàn khổng lồ, sếp gọi giật lại: “Xếp ghế cho gọn vào, em!” Lúc ấy tôi không xấu hổ, nhưng chợt nhận ra là mình thật là vô ý. Tôi nhìn lại ghế của mọi người xung quanh, chúng đều gọn càng cả.

Kể từ bài học đầu tiên ấy, tôi bắt đầu quan sát và bắt chước sếp. Càng như vậy, tôi lại càng ngỡ ngàng trước việc mình đã vô ý đến mức nào. Trước nay, tôi chẳng để ý gì những việc như thấy tờ giấy rơi dưới sàn thì nhặt lên, là người cuối cùng dùng hết giấy in thì bỏ giấy gói vào thùng rác, các giấy tờ thì luôn phải để vào các tập có dán nhãn …

Tác phong gọn gàng hóa ra lại giúp hình thành nên tư duy thông thoáng. Tôi đã nhận thấy rõ sự thay đổi của mình khi giữ mọi thứ gọn gàng, nền nếp. Bài học từ sếp vẫn theo tôi từ đó đến giờ.

…………………
Bài học thứ hai: Muốn có thì phải hỏi!

Tôi đã có một vị sếp phiền phức. Thực sự rất phiền – lúc đó tôi cảm thấy như vậy.

Cái sự phiền của sếp đến từ sự hỏi và đòi hỏi liên lục. Dường như sếp không bao giờ hài lòng với mọi phương án đề xuất. Lúc nào cũng muốn thay đổi/cải biến gì đó từ các phương án ấy. Và để cân nhắc, sếp hỏi, hỏi liên tục, hỏi triển miên, hỏi mải miết.

Thời gian đầu tiên, tôi phát mệt với những câu hỏi và sự đòi hỏi như thế. Tôi cảm giác sếp thích thú với việc ấy lắm vậy: Làm thế này thì sao? Làm thế kia thế nào? Có cách nào khác không? Giảm giá thêm 5% được không? Hay là gộp vào? Hay là tách ra? Chỗ này họ làm thế nào? Chỗ kia họ làm ra sao? Hỏi thử xem có được không? Không đồng ý à, vậy hỏi xem cách kia có đồng ý không? …

Đến một ngày, khi chúng tôi thảo luận phương án tổ chức sự kiện công ty. Còn 2 ngày nữa thôi mà phương án tổ chức vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi sốt ruột đến mức cơn cáu bẳn bắt đầu thấp thoáng trong giọng nói trước sự những câu hỏi liên tục và triền miên của sếp.

Nhưng sếp đã yêu cầu thì nhân viên nào dám bê trễ? Tôi vẫn phải làm “giao liên” giữa sếp và nhà cung cấp. Từng cái, từng cái một đều phải đưa ra thảo luận, cân nhắc và đàm phán. Cũng từng cái, từng cái một được gỡ dần. Để rồi cuối cùng, tất cả những yêu cầu, đòi hỏi của sếp không ít thì nhiều đều được thỏa mãn, kể cả những yêu cầu mà tôi cảm thấy rất bất khả thi.

Sau vụ đó, tôi nhiều lần chứng kiến tình huống tương tự tái diễn. Sếp không từ bỏ bất kỳ phương án nào và đi đến tận cùng của mọi phương án. Sếp đeo bám quyết liệt, đòi hỏi liên tục đến mức phiền hà chỉ để có được câu trả lời cuối cùng, kết quả cuối cùng. Và phần lớn việc ấy đều mang đến chất lượng tốt hơn.

Nhận ra điều này đem đến một sự khó chịu và khó chấp nhận. Tôi ghét những câu hỏi phiền phức, liên tục và triên miên của sếp, nhưng tôi cũng phải thừa nhận, với những câu hỏi để đi đến tận cùng vấn đề, sếp luôn tìm được ra phương án rất tốt. Và những phương án ấy tốt hơn tôi tưởng tượng rất nhiều.

Nếu không hỏi, sẽ không bao giờ có được câu trả lời. Nếu không hỏi, ta tự đóng lại cơ hội có được thứ ta mong muốn và đóng lại cả những cơ hội có thể rất tuyệt vời mà ta thậm chí chưa từng biết đến.

Vị sếp khó chịu của tôi dạy tôi bài học ấy, theo một cách không mấy dễ chịu. Nhưng nó thật sự hữu ích.

…………………………
Bài học thứ ba: Cứ làm hết sức, không được thì… thôi

Người dạy tôi bài học này cũng là một người không mấy dễ chịu – phải thừa nhận thế.

Lúc ấy, chúng tôi làm việc trong một môi trường đấy áp lực và căng thẳng. Mọi công việc đều phải tiến hành rất nhanh và chính xác ngay từ đầu bởi vì mỗi chúng tôi chịu trách nhiệm một khâu trong quy trình công việc. Chỉ một khâu lệch nhịp, do sơ sót chủ quan hay do vô vàn yếu tố bên ngoài, cả một guồng quay sẽ phải dừng lại. Áp lực khiến đồng nghiệp của tôi thường hay nghe tôi ca than: “Trời ơi, tôi muốn chửi thề!”.

Trong guồng quay liên tục ấy, tôi đã chứng kiến thế nào là “làm hết sức” từ chính mình, từ đồng nghiệp và từ sếp. Và tôi cũng cay đắng nhận ra, ngay cả khi “làm hết sức”, kết quả thu được không phải bao giờ cũng trọn vẹn, bởi vô vàn những lý do khách quan xảy đến phá hủy mọi cố gắng. Chúng luôn nằm ngoài khả năng xử lý của mình.

Lần ấy, tôi chứng kiến những nỗ lực của sếp đổ sông đổ bể vì những lý do trời ơi đất hỡi. Tôi nhìn thấy sự thất vọng trong mắt sếp. Bất chấp những điều ấy, sếp nói một câu đơn giản: “Không sao, làm hết sức rồi!”.

Khi làm hết sức, ta đã vượt qua tất cả những giới hạn của trách nhiệm và nghĩa vụ, ta làm tốt hơn những thứ ấy để đạt đến sự thỏa mãn cá nhân. Và khi đã làm hết sức mà kết quả không như ý, đó là lúc cần từ bỏ để bắt đầu một thứ khác, một lần thử khác.

“Từ bỏ” giúp ta làm lại. Để rồi ta sẽ tiến bộ hơn sau những lần như thế.

……………………………..
Trong quãng thời gian đi làm, các nhân viên có thể sẽ gặp rất nhiều sếp với nhiều phong cách quản lý khác nhau. Có thể họ mang đến cảm giác thoải mái, cũng có thể không – điều này vô cùng bình thường. Gác lại những điều khó chịu, cuối cùng thì, họ sẽ luôn mang đến giá trị gì đó đáng để suy ngẫm. Điều tốt thì học hỏi, điều dở thì tránh xa.

Tôi thật lòng cảm ơn những vị sếp của mình, cả những người tôi thích và những người tôi không thích. Họ đã mang đến cho tôi những bài học thật đặc biệt mà nếu không có họ, khéo tôi chẳng bao giờ nhận ra.

Khi giữ thái độ cởi mở, bất cứ ai cũng sẽ mang đến bài học gì đó, đặc biệt là sếp chúng ta.

Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *