Khi lang thang trên mạng, tôi hay đọc được những bài post phàn nàn về điều kiện làm việc, về cách thức tổ chức, về môi trường làm việc độc hại… tại công ty. Thậm chí, còn có cả những chuyện gạ gẫm, lạm dụng trong môi trường công sở.
Có một điều rõ ràng rằng, mỗi công ty đều có những vấn đề riêng và thật khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những giá trị, giới hạn, quy chuẩn chung cần được tôn trọng và không thể bị xâm phạm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Chính sự ứng xử của công ty với những giá trị/ giới hạn/ quy chuẩn này làm nên một công ty tốt, uy tín và xứng đáng trở thành “điểm đến mơ ước” của các ứng viên.
Vậy làm sao chỉ trong vài vòng phỏng vấn – gặp gỡ, trao đổi, vài vòng kiểm tra, thâm chí, thêm cả thời gian thử việc, ứng viên có thể đánh giá công ty, nơi họ làm việc là tốt, là “người tính tuyệt vời” cho mối lương duyên bền chặt?
Có rất nhiều yếu tố để đánh giá. Và yếu tố dễ thấy nhất, dễ đánh giá nhất là nhìn cách làm việc của Bộ phận Nhân sự.
……………………..
Tôi nhớ hồi mới chân ướt chân ráo vào nghề Nhân sự, vị sếp đầu tiên, người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách thức làm việc và tư duy nghề nghiệp của tôi sau này, đã nói rằng: Nhân sự là người đứng giữa các nhân viên/ ứng viên và công ty, người làm Nhân sự vừa là nhân viên vừa là đại diện của công ty khi làm việc với họ.
Sau này, càng có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm, tôi càng hiểu sâu sắc hơn lời nhắc nhở “vỡ lòng” rất sắc sảo và đúng lúc của sếp.
Với tư cách là người thay mặt công ty, cách thức làm việc của nhân viên Bộ phận Nhân sự phản ánh cách thức làm việc, chiều sâu văn hóa, tầm nhìn và thực lực của công ty. Nói văn hoa hơn, họ là đại sứ hình ảnh của công ty trước con mắt của các nhân viên và ứng viên.
Giống như một thương hiệu mạnh luôn tìm cho mình những gương mặt đại diện, những đại sứ thương hiệu có uy tín và ảnh hưởng tốt đẹp đến cộng đồng, một công ty tốt cũng sẽ xây dựng Bộ phận Nhân sự với những nhân viên tử tế, tận tâm và chuyên nghiệp để thay mặt làm việc với các nhân viên và ứng viên.
Về phía ngược lại, những người làm Nhân sự tử tế và tận tâm, với vai trò là nhân viên, cũng sẽ chọn một công ty mà họ đánh giá là tốt để làm việc và cống hiến.
Rất hiếm khi mối quan hệ hai chiều này bị phá vỡ.
Bởi thế, cách thức làm việc của các “đại sứ” này là một trong những chỉ dấu quan trọng để các nhân viên, ứng viên xem xét và đánh giá xem công ty, nơi họ đang làm việc – nơi họ đang cố gắng ứng tuyển có thật sự là một nơi tốt đẹp, đáng để gắn bó lâu dài hay không.
Trên khía cạnh một người làm Nhân sự, tôi cảm thấy đây thật sự là trách nhiệm nặng nề.
Nhưng điều gì cũng có giá trị của nó. Và thứ tôi nhận được khi luôn cố gắng trở hành một “đại sứ hình ảnh” tử tế là những dòng thư, những dòng tin nhắn cảm ơn của ứng viên sau phỏng vấn kể cả khi các bạn ấy không trúng tuyển.
Thú thật là tôi thích những dòng thư ấy đến mức lưu hẳn ra một thư mục riêng để thỉnh thoảng mang ra đọc lại. Và lần nào chúng cũng làm tôi vui cả một ngày vì đó là lúc tôi biết mình đang làm tốt.
Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn