Bạn vừa gửi tôi tấm ảnh này. Bạn cười nhiều còn tôi thì không biết nên cười hay nên mếu.
Ứng viên đáp lại một câu hỏi khó nhằn của người tuyển dụng bằng một câu hỏi có mức độ hóc búa gấp đôi! Trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khó hơn, ứng viên kia cho thấy một tư duy nhạy bén và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong cuộc trao đổi với người phỏng vấn.
Bạn tôi, một người có trí tuệ mẫn tiệp, đã cười rất nhiều về màn đối thoại này. Tôi không nghi ngờ, nếu tình huống này xảy ra với bạn trong thực tế, bạn cũng sẽ đưa nhà tuyển dụng vào thế bí như vậy.
Tôi thật sự hy vọng đây chỉ là tình huống giả định của một ai đó thông minh và có khiếu hài hước.
Bởi vì với tư cách là nhà tuyển dụng, là người phỏng vấn các ứng viên, tôi bối rối.
Đột nhiên tôi cảm thấy lo lắng. Nhỡ một ngày tôi gặp ứng viên thế này…
…………………
Đã qua lâu lắm rồi cái thời mà việc tuyển dụng thật dễ dàng và những người làm nhân sự thoải mái lựa chọn người phù hợp nhất trong hàng chồng những CV ứng tuyển.
Bây giờ, cùng với sự phát triển kinh tế, nhân lực trong doanh nghiệp trở thành một nguồn lực quan trọng, thậm chí, có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Với tầm quan trọng ấy, việc tuyển dụng, lựa chon ứng viên phù hợp với công việc không còn là sự đánh giá một chiều doanh nghiệp – ứng viên. Nó đã chuyển thành mối quan hệ hai chiều mà cuộc phỏng vấn trở thành nơi gặp gỡ giữa hai đối tác. Hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin và cộng tác trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
…………………..
Nhân sự là một nghề khá… đặc biệt. Người làm nhân sự vừa là nhân viên của công ty, vừa là cầu nối giữa các nhân viên còn lại với công ty hoặc là đại diện của doanh nghiệp tiếp xúc với ứng viên.
Với tư cách là một nhân viên, người làm nhân sự hiểu sâu sắc rằng việc tự rèn luyện và nâng cao kỹ năng trình độ là vô cùng cần thiết để tạo cho mình một nền tảng vững vàng.
Với tư cách là cầu nối giữa công ty – các nhân viên/ứng viên, người làm nhân sự có cái nhìn rõ ràng về nội lực của một công ty có ảnh hưởng thế nào đến đội ngũ nhân sự làm việc tại đó.
Và tôi, trong vài trò “kép”, nhận ra rằng: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp – ứng viên/nhân viên giống như … tình yêu, mối tình mà cả hai bên đều phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn bền lâu và nồng thắm.
Bởi vậy nên bất kể là phía nào, doanh nghiệp hay ứng viên/nhân viên, tất cả đều nên phấn đấu để trở thành “người tình” đáng được khao khát.
Với một người làm công việc “mai mối”, xe duyên cho doanh nghiệp và ứng viên, thật tuyệt vời khi nhìn thấy một kết quả viên mãn và trọn vẹn. Ấy là khi doanh nghiệp tìm được nhân sự phù hợp và ứng viên tìm được bến đỗ hài lòng.
Và cuối cùng thì, khi người ta hài lòng với nhau, “bà mai” tôi cũng sẽ không sợ gặp phải câu hỏi gây bối rối như trong ảnh nữa…
Bích Ngọc HR – Vietchuyennghiep.vn